Việc xác định xem ở độ tuổi nào thì trẻ em học ngôn ngữ tốt nhất đã được nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau trên thế giới quan tâm nghiên cứu từ những năm 60. Kết quả nghiên cứu của các nhà sinh lí học thì cho rằng sự phát triển của não bộ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển ngôn ngữ của trẻ. Các nhà tâm lý học thì cho rằng: Trẻ em học ngôn ngữ tốt hơn vì ít dựa vào các cách giải thích ngữ pháp và khả năng tư duy miễn dịch. Còn các nhà ngôn ngữ học khẳng định: Khả năng song ngữ không ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh. Thậm chí có thể phát triển hơn các trẻ khác vì dễ hình thành khái niệm hơn và linh hoạt hơn về trí tuệ. Tựu chung lại thì trẻ em bình thường xét ở các góc độ tâm sinh lí và ngôn ngữ đều có khả năng hấp thụ một hoặc hai ngoại ngữ nếu sớm được tiếp xúc với các ngôn ngữ đó trong điều kiện thuận lợi. Trẻ em ViệtNam cũng không phải là ngoại lệ.
Từ những dẫn chứng đó Tiến sĩ Phạm Đăng Bình (Khoa Ngôn ngữ và văn hoá Anh Mỹ - Đại học Ngoại ngữ- ĐHQG Hà Nội) cho rằng “Chúng ta nên cho Trẻ em làm quen với tiếng Anh càng sớm càng tốt. Ở những nơi có điều kiện nên cho trẻ em học tiếng anh ngay từ các lớp mầm non (tức là từ 3 tuổi) thì càng tốt. Nếu chúng ta bỏ qua giai đoạn học ngoại ngữ dễ dàng nhất này của trẻ, thì đây sẽ là một sự lãng phí về nhân tài và chất xám rất lớn”.
Lợi ích của việc dạy ngoại ngữ ngay từ sớm đã được khẳng định. Vấn đề là chúng ta tổ chức việc dạy học như thế nào mà thôi, nghĩa là điều kiện để cho việc học tiếng Anh có hiệu quả cũng quan trọng không kém. “Vấn đề cốt yếu của việc học ngoại ngữ là điều kiện thích hợp chứ không phải là độ tuổi bắt đầu. Các điều kiện thích hợp đó là: Giáo viên được đào tạo tốt, thông thạo tiếng Anh; Chương trình và tài liệu giảng dạy phù hợp với các lứa tuổi; Đủ thời gian và cường độ đồng thời đảm bảo tính liên tục và chuyển tiếp”.
Giáo viên được đào tạo tốt, thông thạo tiếng Anh:
Ở độ tuổi lên 3, trẻ em có thể luyện âm để phát âm được đúng giọng bản ngữ. Tuy nhiên, việc các bé đạt được thành công như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên. Giáo viên phải là người nhiệt tình, năng động, có nghiệp vụ sư phạm tốt và có khả năng truyền đạt kiến thức cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, để có được độ tương tác lớn nhất và để giáo viên có thể theo sát lắm bắt tâm lý, chăm sóc kỹ lưỡng từng học sinh thì số lượng học sinh trong lớp phải ít, không quá 15 học sinh/lớp.
Chương trình và tài liệu giảng dạy phù hợp với các lứa tuổi:
Theo các nhà giáo dục học hiện đại, dạy học tương tác là một trong những phương pháp dạy học tích cực, hiện đại và có hiệu quả nhất trong nền giáo dục ngày nay. Đặc biệt trong việc dạy và học tiếng Anh, dạy học tương tác là chìa khóa mang lại thành công cho cả người dạy và người học. Một chương trình tiếng Anh tương tác phải đảm bảo được 3 yếu tố: Tương tác giữa học sinh và giáo viên; Tương tác giữa học sinh và học sinh; Tương tác giữa học sinh, giáo viên và các thiết bị giảng dạy hiện đại ( Bảng tương tác Smart Board, máy tính, máy chiếu, loa, đài, đĩa CD và các phần mềm hỗ trợ chuyên dụng…)
Đủ thời gian và cường độ đồng thời đảm bảo tính liên tục và chuyển tiếp:
Một chương trình giáo dục tiếng Anh tốt cần phải được thiết kế thời lượng chương trình cho từng buổi học phù hợp với từng độ tuổi khác nhau. Đồng thời, phải đảm bảo được tính liên tục và chuyển tiếp từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ độ tuổi nhỏ đến độ tuổi lớn. v.v….. Theo các chuyên gia giáo dục, nên cho trẻ tham gia các buổi học trong khoảng thời gian 1h30 phút, mỗi tuần học 2 buối đan xen nhau. Ngoài ra, trẻ em nên theo học các chương trình tiếng Anh có tính liên tục và chuyển tiếp, các bài học có hệ thống và liền mạch tránh việc ngắt quãng hoặc thay đổi giáo trình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét